Đăng nhập
ruou bau da thanh tam
Trang chủ»Tin tức»Du lịch Bình Định »Thành Đồ Bàn – còn đây phế tích những vương triều

Thành Đồ Bàn – còn đây phế tích những vương triều

Dấu tích thành cổ hơn 1.000 năm của người Chăm ở Bình Định

Thành Đồ Bàn được xây dựng từ thế kỷ thứ 10 và là kinh đô trong khoảng 500 năm của vương quốc Chămpa.

Thành Đồ Bàn hay còn gọi là Vijaya là kinh đô của vương quốc Chămpa trong thời kỳ có quốc hiệu là Chiêm Thành tồn tại từ thế kỷ 10 đến 15. Vào thời Tây Sơn, trên nền thành cũ, Nguyễn Nhạc cho xây dựng lại và mở rộng thêm thành làm sở chỉ huy của nghĩa quân, gọi tên là thành Hoàng Đế.

Ngày nay thành thuộc địa phận xã Nhơn Hậu (huyện An Nhơn, Bình Định). Hiện cổng vào thành đã được phục dựng.

Thành Đồ Bàn được xây dựng từ năm 982, dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya. Thành từng bị tàn phá nhiều lần do chiến tranh, đến năm 1471 thì thất bại trước thủy - lục quân của vua Lê Thánh Tông, rồi bị phá hủy hoàn toàn, chấm dứt vai trò lịch sử của thành với vương quốc Champa.

Sau một thời gian dài bị lãng quên, năm 1776 sau khi đánh bại chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc cho xây thành Hoàng Đế trên nền kinh đô Đồ Bàn cũ bao gồm 3 lớp: Thành ngoại có chu vi khoảng 7 km, thành nội khoảng 1,6 km, và "tử cấm thành" khoảng 600 m, tường cao chừng 3 m. Di tích thành hiện nay không còn mấy ngoài tường lũy bằng đá ong nhưng nhiều đoạn đã hư hỏng.

Dấu tích xưa của thành Đồ Bàn, kinh đồ suốt 5 thế kỷ của người Chăm hầu như không còn. Hiện nay chỉ còn xót lại ba con sư tử bằng đá, chạm trổ theo phong cách nghệ thuật Chăm vào thế kỷ 12-14.

Cách trung tâm thành Đồ Bàn vài trăm mét, dấu tích còn nguyên vẹn của kinh đô vương quốc Champa là ngôi Tháp Cánh Tiên sừng sững đứng trơ trọi giữa núi rừng. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 12, trên đỉnh một quả đồi thấp. Trong số những tháp cổ Chăm Pa còn lại ở tỉnh Bình Định, tháp Cánh Tiên là một trong những kiến trúc còn khá nguyên vẹn.

Qua nhiều lần khai quật đã lộ rõ nhiều công trình kiến trúc của thành Hoàng Đế dưới thời Nguyễn Nhạc. Đó là nền chính điện, nền điện bát giác với gạch Bát Tràng và đá trắng Champa.

Dấu tích thành Hoàng Đế được khai quật là hai hồ bán nguyệt đối xứng qua điện bát giác, với những dãy đá san hô, các bậc đá gắn vào hồ.

Ngày nay, nếu như một hồ còn dấu tích khá nguyên vẹn thì hồ còn lại đã hoang phế, nhiều đoạn gạch đá bị vỡ vụn.

Thành Hoàng Đế còn chứng kiến những trận đánh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, trong đó có trận đánh bao vây thành của hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng với tướng Võ Tánh vào năm 1801. Biết cầm cự không nổi với quân Tây Sơn, Võ Tánh tự thiêu cùng với quan văn Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử.

Năm 1802 khi Gia Long lên ngôi, đổi tên thành Hoàng Đế thành Bình Định. Năm 1823, vua Nguyễn cho xây thành Bình Định mới nên đã dỡ lấy vật liệu đá ong từ thành cũ và chọn nơi đay để xây lăng mộ Võ Tánh. 

Ở trong khu cổ thành, những kiến trúc còn lại hầu hết đều thuộc đời nhà Nguyễn. Đó là lăng mộ và đền thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.

Từ khi xây thành Bình Định mới, thành Hoàng Đế hoang phế và bị hủy hoại theo thời gian. Những dấu tích về một kinh đô trong suốt 500 năm của nước Champa cũng như phong trào Tây Sơn không còn nhiều, đã lùi vào trong dĩ vãng xa xăm. Quần thể hỗn hợp này được công nhận di tích quốc gia từ năm 1982.

 

Quỳnh Trần

 

In bài viết
Tự tạo website với Webmienphi.vn