Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá là một xóm nhỏ có tên Tân Long thuộc thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định - nằm kề Quốc lộ 19, cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 20 km về hướng Tây Bắc. Làng nghề nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, hiện có khoảng 40 hộ dân chủ yếu làm nông nhưng phần lớn đều có nghề nấu rượu gia truyền từ nhiều đời.

Rượu ngon nhờ nguồn nước

Chúng tôi được ông Lê Mạnh Hưng đưa về nhà ở xóm Tân Long giới thiệu lò sản xuất rượu gia truyền từ nhiều đời của gia đình. Hệ thống lò nấu rượu ở đây chẳng khác mấy so với cách sản xuất thủ công ở nhiều nơi. Tuy nhiên, sản phẩm rượu Bàu Đá của ông Hưng và xóm Tân Long nói chung thì thơm ngon đặc biệt, hiếm nơi nào có được.

Rượu “Bầu Đá”, Bàu Đá dỏm bày bán tràn lan
Rượu “Bầu Đá”, Bàu Đá dỏm bày bán tràn lan

Ông Hưng lấy bình sứ đựng rượu vừa được gia đình chưng cất ra rót mời chúng tôi. Ly vừa rót đầy, rượu sủi tăm vun lên rồi tan nhanh, trong vắt, tỏa hương thơm nồng nàn. Nâng chén rượu ngang mũi, chúng tôi nhắm mắt cố cảm nhận mùi thơm lan tỏa liu riu. Nhấp nhẹ một chút, cảm giác lâng lâng ngấm dần. Rượu chảy đến đâu thấy ấm đến đấy, thơm lừng hương lúa và đọng lại dư vị ngọt ngào thoảng men cay.

“Rượu Bàu Đá phải nặng trên 50 độ, khi rót ra phải sủi tăm. Do rượu “nặng đô” nên uống nhanh say nhưng không gây mệt mỏi hay nhức đầu. Tôi cũng đã thử nhiều loại nhưng chưa thấy rượu nào uống “đã” bằng rượu làng mình nấu cả. Tối uống say quắc cần câu nhưng sáng ra vẫn thấy khỏe khoắn, đi làm bình thường” - ông Hưng tự hào.

Như để chứng minh rằng rượu Bàu Đá “nặng đô”, ông Hưng đổ một ít ra đĩa sứ rồi châm lửa đốt, lập tức ngọn lửa xanh lét phựt lên. “Bấy nhiêu là đủ nướng chín con mực bằng bàn tay, dày cộp rồi đó” - ông khẳng định.

Không chỉ có “lửa”, rượu Bàu Đá còn được nhà văn Nguyễn Thanh Mừng, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bình Định, cho rằng có cả “băng tuyết”. “Sờ vào chum, bình đựng rượu Bàu Đá thì sẽ thấy mát lạnh tay. Nếu nhỏ một giọt rượu lên da, cái mát lạnh sẽ truyền đến tận tim” - nhà văn dẫn chứng.

Hầu như nhà nào ở Tân Long cũng có bình rượu sủi tăm để sẵn sàng mời khách. Theo nhiều người lớn tuổi, cách nay khoảng 100 năm, xóm có một bàu nước rộng vài hecta, xung quanh có nhiều hòn đá rất kỳ thú. Do nguồn nước từ bàu mát sạch và trong nên người dân thường lấy về nấu ăn, sinh hoạt.

Thời điểm này, do lò rượu của thực dân Pháp ở gần đó đóng cửa nên dân làng thuê một người ở huyện Tây Sơn về nấu rượu phục vụ hội hè, cúng giỗ. Nguồn nước dùng để nấu rượu được người này lấy từ bàu đá kể trên. “Thấy rượu được chưng cất bằng nguồn nước lấy ở bàu đá ngon hơn vùng khác, nhiều người dân địa phương cũng bắt chước ông ấy nấu rượu. Khi rượu nấu từ vùng này được nhiều người biết đến bởi hương vị thơm ngon đặc biệt, họ đã gán tên bàu đá trong làng cho tên rượu” - cụ Nguyễn Ngọc Tân (84 tuổi) giải thích.

Ngày nay, bàu đá đã cạn nước. Nguồn nước dùng cất men, ủ rượu ở Tân Long là những mạch giếng khoan, giếng đào. Tuy nhiên, chất lượng rượu được sản xuất tại đây vẫn thơm ngon như ngày nào.

Theo nhiều người trong làng, để có được rượu Bàu Đá ngon, mỗi mẻ họ sử dụng khoảng 7 kg gạo hoặc đậu xanh. Cơm đã nấu được trộn men ủ vào xô nhựa, sau 3 ngày sẽ dậy mùi thơm của men rượu. Tiếp đó, họ cho vào 16 lít nước giếng trong, ủ tiếp 2 ngày. Cuối cùng, cơm rượu được cho vào nồi đun trong 5 giờ, rượu được chưng cất qua ống tre nối từ nồi nấu sang nồi ngưng tụ. Một mẻ như vậy cho ra khoảng 4 lít rượu nguyên chất.

“Yếu tố quan trọng làm nên rượu Bàu Đá chính là mạch nước trong làng. Tôi đã thử mang men, gạo cùng với kinh nghiệm làm rượu từ Tân Long đi đến làng khác để chưng cất nhưng không thể có được loại rượu chất lượng như Bàu Đá” - bà Lê Thị Cần (61 tuổi), cháu nội của cụ Lê Khánh, một trong những người đầu tiên truyền nghề nấu rượu cho làng, khẳng định.

Hơn 40 năm trước, bà Cần rời quê đến làm dâu trong một gia đình ở huyện Tây Sơn, cách Tân Long chỉ vài cây số. Khi sang nhà chồng, bà định mang nghề nấu rượu truyền thống của gia đình mình đến đó lập nghiệp. Tuy nhiên, cũng với dụng cụ, nguyên liệu và công thức mà hằng ngày bà vẫn thường áp dụng nhưng kết quả cho ra loại rượu không thể nào ngon bằng rượu Bàu Đá.

 

“Nhiều người ở xa tới xin công thức đi nơi khác nấu rượu nhưng cũng không thành công. Ngoài công thức, nguyên liệu, chỉ có nấu bằng nguồn nước được lấy từ giếng đá ong ở Tân Long thì mới tạo ra hương vị rượu Bàu Đá chính hiệu” - bà Cần quả quyết.

“Cuộc chiến” giành thương hiệu

Năm 2001, khi rượu Bàu Đá được nhiều người biết đến, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh (trụ sở tại TP Đà Nẵng) đến đặt cơ sở thu gom tại Bình Định rồi đóng chai bán ra thị trường. Tiếp đó, sau khi mở cơ sở chế biến tại thôn Cù Lâm, công ty tiến hành đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu rượu Bàu Đá Minh Anh.

Lúc này, Công ty Minh Anh độc quyền bán ra thị trường rượu Bàu Đá đóng chai mang nhãn hiệu Bàu Đá Minh Anh. Trong khi đó, rượu mang nhãn hiệu Bàu Đá của các cơ sở sản xuất tại địa phương không được đưa vào bán tại siêu thị, cửa hàng... Thậm chí, một số cơ sở sản xuất ở địa phương khi đưa rượu Bàu Đá chính hiệu ra thị trường ngoài tỉnh đã bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.

Sau nhiều năm liên tục khiếu nại, năm 2007, Hiệp hội Sản xuất - Kinh doanh (SX-KD) rượu Bàu Đá Bình Định làm hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với rượu Bàu Đá. Tuy nhiên, Công ty Minh Anh không chấp nhận từ bỏ nhãn hiệu của mình để lấy tên chung. Do đó, giữa năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu Hiệp hội SX-KD rượu Bàu Đá Bình Định bổ sung vào mẫu nhãn hiệu đăng ký “Rượu Bàu Đá” một thành phần chữ hoặc một biểu tượng để phân biệt với nhãn hiệu của Minh Anh. Hiệp hội đã bổ sung logo kèm chữ “Rượu Bàu Đá” vào nhãn hiệu đăng ký.

TS Võ Ngọc Anh, nguyên Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Định, cho biết đến năm 2007, Hiệp hội SX-KD rượu Bàu Đá mới được thành lập và chính thức nộp đơn xin đăng ký bảo hộ tập thể nhãn hiệu rượu này. “Sau khi được cấp nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”, trên thị trường có 2 nhãn hiệu rượu này song song tồn tại - một của Bình Định và một của Công ty Minh Anh. Để được sử dụng nhãn hiệu tập thể này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải gia nhập Hiệp hội SX-KD rượu Bàu Đá Bình Định” - TS Anh nhớ lại.

Điều người dân Tân Long ưu tư không chỉ là nhãn hiệu chung hay riêng mà là rượu giả Bàu Đá tràn lan. Dọc Quốc lộ 19, Quốc lộ 1 qua Bình Định, “rượu Bàu Đá” đựng trong chai thủy tinh, bình nhựa, bầu đá… với nhiều màu xanh, trắng, vàng được bày bán khắp nơi. Nhiều nơi còn bày bán những bầu rượu bằng đá và để tên “rượu Bầu Đá”!

Ghé một gian hàng ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn, chúng tôi được bà chủ mời chào “đặc sản rượu Bàu Đá”. Bà giới thiệu những chai rượu trưng bày trên quầy là “rượu Bàu Đá” chính hiệu được lấy từ làng nghề truyền thống nhưng giá chỉ 12.000-15.000 đồng/lít. Thấy chúng tôi nghi ngờ do giá rượu quá rẻ, bà ta phân bua: “Do mua sỉ từ làng nghề nên mới rẻ như vậy”!

Chỉ tay vào chai rượu màu xanh, chúng tôi thắc mắc: “Rượu Bàu Đá cũng có loại màu xanh sao?”. Thấy khách có vẻ rành, bà ta lúng túng: “Đó là nước pha màu xanh chứ không phải rượu, chúng tôi chưng trên quầy rượu Bàu Đá để thu hút thị giác khách đi đường”!

Ông Tạ Chí Nhơn, người có hàng chục năm kinh nghiệm nấu rượu Bàu Đá ở Tân Long, khẳng định phần lớn “rượu Bàu Đá” giá rẻ bán trên thị trường là giả, kém chất lượng. “Để nấu được 1 lít rượu gạo, chúng tôi phải tốn ít nhất 18.000 đồng, còn rượu nếp khoảng 23.000 đồng. Khi rượu Bàu Đá giả được bày bán tràn lan, dân làng chúng tôi khó thể sống được với nghề nấu rượu nhưng vẫn phải duy trì để lấy hèm nuôi heo” - ông bức xúc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết “rượu Bàu Đá” dỏm lấy từ nhiều người bỏ mối nên chính người bán cũng không biết được xuất xứ. “Rượu Bàu Đá giả được nấu bằng men Trung Quốc nên mới có giá rẻ như vậy. Một số nơi còn mua mật rỉ ở nhà máy đường về pha với nước, phẩm màu, thêm hương vị vào là thành “rượu Bàu Đá”. Thậm chí, có người còn mua cồn pha với nước, men để làm “rượu Bàu Đá”. Với những loại rượu pha chế kiểu này, người ta mua thêm ít rượu Tân Long chính gốc về pha trộn để thành “rượu Bàu Đá” bán ra thị trường” - một người dân làng nghề rượu Bàu Đá trăn trở.

Mạnh ai nấy làm

Theo UBND xã Nhơn Lộc, làng nghề rượu Bàu Đá có 33 hộ nấu rượu. Hiện nay, trung bình mỗi ngày làng chỉ sản xuất 300-450 lít, còn trước kia khoảng 800-1.000 lít. Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi, mỗi ngày trên thị trường có hàng ngàn lít “rượu Bàu Đá” được tiêu thụ.

Một lò nấu rượu truyền thống Bàu Đá ở làng nghề Tân Long
Một lò nấu rượu truyền thống Bàu Đá ở làng nghề Tân Long

Ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội SX-KD rượu Bàu Đá Bình Định, cho rằng những loại rượu nhái nhãn hiệu bày bán trôi nổi trên thị trường đã tác động không nhỏ đến uy tín, chất lượng và thương hiệu rượu Bàu Đá, gây thiệt hại cho phía sản xuất lẫn người tiêu dùng. “Ngay cả nhiều thành viên hiệp hội cũng không tâm huyết với sản phẩm của mình. Chung hiệp hội nhưng mạnh ai nấy làm, không thống nhất với nhau về giá cả, chất lượng rượu nên khó mà giữ được thương hiệu” - ông Tâm băn khoăn.

 

Bài và ảnh: ANH TÚ